Thành phố Nha Trang đâu chỉ có những bãi biển hay núi đồi xanh tươi, mà còn có các ngôi chùa nổi tiếng với những câu chuyện rất riêng. Những ngôi chùa ở thành phố này là nơi không chỉ là nơi thờ phượng, lưu giữ dấu ấn Phật giáo, mà còn thu hút những ai thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các công trình kiến trúc tôn giáo. Chùa Nha Trang là một điểm nhấn đối với khách bốn phương, nơi họ có thể tịnh tâm, thư giãn và cầu an cho gia đình. Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch Nha Trang thì đừng quên bổ sung những ngôi chùa Nha Trang nổi tiếng như chùa Long Sơn, chùa Hải Đức, chùa Ốc, chùa Đất Sét… vào danh sách tham quan nhé.
1. Trúc Lâm Tịnh Viện
Nguồn ảnh: Nha Trang Today
Hòn Tre - Hòn đảo lớn nhất vịnh Nha Trang không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên xanh mát, mà còn thu hút bởi công trình Phật giáo đồ sộ Trúc Lâm Tịnh Viện. Ngôi chùa nằm yên bình giữa lòng phố biển này đã thu hút rất nhiều tăng ni, phật tử tới đây để học tập và thể hiện lòng tin ngưỡng tôn giáo của mình. Đồng thời, nơi đây cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo lượt khách thập phương tìm đến.
Chùa Nha Trang Trúc Lâm sở hữu kiến trúc độc đáo mang hơi hướng của chùa miền Bắc, đồng thời hài hòa với cảnh quan tự nhiên xung quanh. Mặt trước của ngôi chùa hướng về phía Đông Bắc, và phía sau tựa vào dãy núi về hướng Tây Nam. Trúc Lâm Tịnh Viện còn sở hữu bức tượng Phật Quan Âm Nam Hải to lớn, đứng vững trên đài sen. Phía dưới chân tượng, hình ảnh con sóng cao hơn 4m nổi bật, như là biểu trưng cho sự giữ gìn và bảo vệ của Quan Âm đối với ngư dân vùng biển mỗi khi ra khơi.
Trúc Lâm Tịnh Viện
-
Đảo Hòn Tre Nha Trang, thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
2. Chùa Hội Phước (Chùa Cát)
Nguồn ảnh: Chốn Thiêng
Chùa Hội Phước, hay còn được biết đến với tên gọi truyền thống là chùa Cát, là một biểu tượng văn hóa và tâm linh ở Nha Trang, đã tồn tại hơn 3 thế kỷ. Ngôi chùa này là kho tàng của lịch sử và truyền thống với rất nhiều hiện vật cổ kính, từ tượng Phật, chánh pháp Nhãn Tạng, hoành phi, câu đối, cho đến những chiếc chuông vang vọng. Bước chân vào chùa Hội Phước, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian yên bình và thanh tịnh, tìm thấy sự an nhiên cho tâm hồn. Nơi đây, những câu chuyện lịch sử dài ba thập kỷ cất lên như là những hơi thở của thời gian, là những dấu ấn tuyệt vời của quá khứ.
Hiện ngay, ngôi chùa Nha Trang này vẫn còn giữ nguyên vẹn những hiện vật cổ xưa, như một chứng nhân cho quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa. Có thể nghe những câu chuyện đáng kinh ngạc về những vị thầy tổ, những nghệ nhân tài ba đã góp phần xây dựng và trang hoàng chùa thành ngôi điểm tâm linh tuyệt vời ngày nay.
Chùa Hội Phước (Chùa Cát)
-
Địa chỉ: Số 153 Hoàng Văn Thụ, phường Phương Sài, Nha Trang
3. Chùa Từ Tôn
Nguồn ảnh: Báo Dân Việt
Chùa Từ Tôn, một viên ngọc tinh tú giữa lòng biển xanh, không chỉ là nơi hành hương, thắp hương tôn kính, mà còn là niềm kiêu hãnh của Nha Trang, một kho báu văn hóa và tâm linh gìn giữ từ xa xưa.
Trước đó, Hòn Đỏ chỉ là một hòn đảo hoang vu, không một bóng người sinh sống. Nhưng từ khi ngôi chùa Từ Tôn được xây dựng, nơi đây đã hóa thành một thiên đường linh thiêng, thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái và tìm về bình an.
-
Địa chỉ: Đảo Hòn Đỏ, Phường Vĩnh Thọ, Nha Trang
4. Chùa Nghĩa Sơn
Nguồn ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị
Chùa Nghĩa Sơn ghi dấu trong lòng những phật tử về đây chiêm bái bằng kiến trúc độc đấu mang đậm hơi thở Nhật Bản truyền thống. Khuôn viên chùa Nghĩa Sơn trải dài với những công trình ấn tượng như Chánh Điện, Kim Cát Đài, vườn Lâm Tỳ Ni, nhà Tổ, và tháp Tổ, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về nghệ thuật và tâm linh. Những công trình này đều đậm chất văn hóa và mang dấu ấn của nền kiến trúc Nhật Bản, khiến người ta không thể không say mê. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi nhẹ nhàng, thoải mái, gạt bỏ hết muộn phiền cuộc sống thì ngôi chùa Nha Trang này là địa điểm vô cùng lý tưởng.
Chùa Nghĩa Sơn Nha Trang
-
Địa chỉ: Trảng É, thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, Nha Trang
5. Chùa Thiên Ân Đầm Môn
Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Nằm trên đỉnh của một ngọn núi cao, Chùa Thiên Ân Đầm Môn ghi dấu với vẻ đẹp hòa quyện giữa kiến trúc Việt Nam và Nhật Bản. Bốn mặt của chùa nhìn ra biển xanh ngút ngàn, tạo nên một không gian thần tiên mà hùng vĩ.
Chính điện chùa đứng vững với sắc trắng và đỏ rực rỡ, làm nổi bật sự thanh tịnh và tôn nghiêm. Đằng sau, khu vườn xanh mướt với nhiều cây cỏ và bóng mát, rất thích hợp để thư giản và thả hồn vào tiếng chuông chùa trong trẻo, thu trọn khung cảnh thành phố Nha Trang nhộn nhịp.
Các công trình nhà chùa đặc biệt thu hút với nét kiến trúc đậm chất Nhật Bản, từ cổng trời rực rỡ cho đến những bậc thang uy nghiêm. Không thể không nhắc đến những cây hoa anh đào đang khoe sắc, làm cho cả khu vực trở nên ngập tràn sắc hồng tinh khôi.
6. Chùa Phật Trắng (Chùa Long Sơn)
Chùa Phật Trắng tọa lạc ở chân núi Trại Thủy, cách ga Nha Trang khoảng 1km. Đây có thể được xem là ngôi chùa có diện tích lớn nhất trong các chùa Nha Trang, và là một trong những danh lam thắng cảnh nổi bật nhất của thành phố. Năm 1886, chùa được Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng nên trên đỉnh núi với tên là Đăng Long Tự. Sau cơn bão lớn năm 1900, chùa bị hư hỏng nặng nên đã dời xuống địa điểm như hiện nay, và đổi tên thành chùa Long Sơn, hay còn được gọi với tên thân thuộc là chùa Phật Trắng.
Điểm nổi bật nhất ở ngôi chùa nổi tiếng này chính là bức tượng Kim Thân Phật Tổ trắng muốt, sừng sững trên đỉnh núi Trại Thủy. Tượng được đặt trên Phật đài với tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời, và trở thành biểu tượng tâm linh đối với người dân thành phố Nha Trang. Điều thú vị là phần thân tượng được thực hiện tại đỉnh núi, còn phần đầu tượng được chế tác tại Chợ Lớn, Sài Gòn bởi bày tay điêu khắc gia Phúc Điền. Xung quanh đế Phật đài khắc chân dung 7 vị Thánh tử đạo, còn phía trước là cặp rồng dài hai bên thành bậc cấp dẫn lên Phật Đài.
Nguồn ảnh: Unsplash
Con đường lên viếng Kim Thân Phật Tổ có tất cả 193 bậc cấp bên hông trái của chùa. Ở bậc thứ 44, chùa đặt pho tượng lộ thiên Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, phía sau là bức phù điêu mô tả chư vị tỳ kheo đang niệm Phật. Lên vài bậc cấp nữa là tháp chuông với quả đại hồng chung do các Phật Tử ở Huế cúng dường cho chùa.
Chánh điện chùa Long Sơn là tượng Đức Phật Thích Ca thuyết pháp bằng đồng; hai bên là phù điêu Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Đặc biệt, trong điện có đặt cặp nến lớn do nghệ nhân Thượng tọa Thích Hiển Chơn thực hiện tại chùa An Phú, Sài Gòn.
Khuôn viên chùa được bài trí hài hòa, mang lại cảm giác thanh tịnh cho bất kỳ ai đến vãn cảnh. Giảng đường của trường trung cấp Phật học và Trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cũng được đặt tại đây. Năm 2008, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa và chùa đã long trọng khánh thành tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức lớn nhất Việt Nam tại khoảng sân trước gần cổng tam quan.
Điểm độc đáo tại ngôi chùa này là từ trên đỉnh núi Trại Thủy, bạn có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Nha Trang rộng lớn. Nếu du lịch Nha Trang, bạn có thể tham gia tour khám phá Nha Trang trong nửa ngày để không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm ngôi chùa tuyệt đẹp này nhé.
Chùa Phật Trắng (Chùa Long Sơn)
-
Địa chỉ: 22 đường 23/10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
7. Chùa Đa Bảo Nha Trang
Nếu bạn tìm một nơi vừa an tịnh vừa thơ mộng, thì hãy đến chùa Đa Bảo Nha Trang nhé. Tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc dãy núi Cô Tiên nổi tiếng của thành phố Nha Trang, chùa Đa Bảo là nơi lý tưởng để nhìn thấy toàn cảnh biển, cả trời và đương nhiên không thể thiếu cả một thành phố Nha Trang xinh đẹp.
Tương truyền rằng, khi xưa, có một ngọn tháp Đa Bảo đã tự trồi lên từ lòng đất trong khi Đức Thế Tôn thuyết pháp. Từ đó, chùa Đa Bảo được xây dựng nhờ vào công sức, tâm huyết của những người tu hành và trở thành ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở xứ Trầm Hương. Chùa không lớn lắm, nhưng lúc nào cũng đông người đến vãn cảnh, cầu nguyện. Đặc biệt, vào những dịp trăng tròn, hay các dịp lễ lớn của Phật Giáo như: Phật Đản, Vu Lan, v.v. nơi đây có rất nhiều Phật tử tề tựu về dâng lễ chùa.
Chùa Đa Bảo có nhiều khu vực khác nhau gồm: khu Tuệ Giác Viên, khu chánh điện, vườn Lâm Tỳ Ni, nhà chuông v.v. Đặc biệt, khu Tuệ Giác Viên thu hút nhiều người với hồ nước lớn, hệ thống đài phun nước, cá cảnh, hoa súng. Giữa hồ là nhà lục giác, nơi bạn có thể ngắm cảnh, chụp hình, ngồi thiền, hay tập Yoga. Bên cạnh đó, chùa Đa Bảo Nha Trang còn sở hữu nhiều pho tượng đẹp mắt như tượng thầy trò Đường Tăng, Phật Tổ, Phật Quan Âm, Di Lặc. Các tảng đá, câu đối, câu châm ngôn, cây cảnh, thảm cỏ ở đây cũng được chăm chút cẩn thận và tỉ mỉ.
Chùa Đa Bảo Nha Trang
-
Địa chỉ: Tổ 14 đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
8. Chùa Ốc Nha Trang (Chùa Từ Vân)
Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn
Ở thành phố Cam Ranh có một ngôi chùa thu hút sự quan tâm truyền thông trong nước lẫn quốc tế, đó chính là chùa Ốc, hay chùa Từ Vân. Cái tên nói lên tất cả: nguyên vật liệu chính để xây dựng chùa chính là vỏ ốc. Ngoài kiến trúc quá độc đáo, chùa Ốc còn sở hữu nhiều công trình đẹp như thuyền Bát Nhã, Phật Đản sanh, Phật xuất gia, Phật thành đạo, Phật nhập niết bàn, Điện Quan Âm, v.v.
Đặc biệt, phải kể đến tháp Bảo Tích cao nhất Việt Nam. Từ xa, kết cấu tòa tháp trông như được xây bằng những viên đá thông thường, nhưng khi đến gần quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra rất nhiều loại vỏ ốc và san hô được sắp xếp tỉ mỉ với nhau. Từng rạn san hô và vỏ ốc được các nhà sư thu nhặt dọc bờ biển Cam Ranh và xây dựng theo phương pháp thủ công; vì thế, phải mất đến 5 năm để hoàn thành tuyệt tác độc nhất vô nhị này. Trải qua bao nắng mưa, bề mặt sần sùi của tòa tháp nhuốm màu thời gian, tạo ra vẻ cổ kính, uy nghiêm mà độc đáo, khác lạ.
Tháp Bảo Tích có 49 tiểu tháp bên ngoài, mỗi tiểu tháp có thờ tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay. Tháp này có 2 tầng, 8 cửa tượng trưng cho Bát chánh đạo, bên trong và bên ngoài đều được trang trí bằng vỏ ốc, trai, sò rất lạ mắt.
Bên cạnh đó, chùa Ốc còn có cầu Nại Hà, Bát Nhã hoa viên, động San Hô, Thủy Long cung, vườn Thượng Uyển, đặc biệt là “con đường địa ngục” dài đến 500m. Công trình này là nơi khắc họa các hình phạt đối với những tội lỗi của người phàm, nhằm răn dạy con người phải biết sống hướng thiện, và phải mất khoảng một giờ để đi hết “18 tầng địa ngục”. Lối đi được xây rất hẹp, tối và quanh co, bạn phải dùng đèn cầy hoặc đèn pin để soi dẫn – chắc chắn sẽ mang lại cảm giác hồi hộp, thú vị cho những bạn thích khám phá.
Chùa Ốc Nha Trang (Chùa Từ Vân)
-
Địa chỉ: Đường 3/4, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
9. Chùa Suối Đổ Nha Trang
Nguồn ảnh: khoanhkhacvietnam.vn
Một địa điểm tham quan nổi tiếng khác mà bạn có thể đưa vào danh sách đó là chùa Suối Đổ, tọa lạc ở núi Hoàng Ngưu, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Gọi là Suối Đổ bởi vì ngôi chùa này luôn có tiếng suối chảy róc rách, hòa với tiếng chim lảnh lót không ngừng, tạo cho bạn cảm giác cực kỳ thư giãn và bình yên. Từ khuôn viên chùa, bạn còn có thể nhìn ngắm quang cảnh núi rừng với cánh đồng bao la.
Để đến được chùa Suối Đổ, bạn sẽ phải trải qua hơn trăm bậc thang cheo leo men theo sườn núi. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho bạn thử tài leo núi, đồng thời thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp trải dọc đường đi. Khi đi được 200m sẽ một ngã ba với hai con đường: bên trái là Quan Âm sơn tự và bên phải là Phổ Đà sơn tự.
Trong chánh điện chùa Suối Đổ có thờ Phật Bà Quan Âm và Thánh Mẫu Thiên Y A Na (nữ thần Poh Nagar); ngoài ra còn có thờ Ngũ Mẫu. Đến đây, bạn có thể tịnh tâm, cầu an, hoặc thưởng thức các món cơm chay miễn phí, hoặc đi men theo bậc thang để ngắm suối chảy, khám phá giếng Tiên, động MaHa linh thiêng.
Chùa Suối Đổ Nha Trang
-
Địa chỉ: Xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
10. Chùa Đất Sét Nha Trang (Pháp Viện Thánh Sơn)
Nguồn ảnh: Tripadvisor
Mỗi khi đến Nha Trang, ít ai biết được rằng, ở thành phố này có một ngôi chùa nằm ngoài trung tâm thành phố, mang vẻ đẹp đầy mê hoặc, chính là Pháp Viện Thánh Sơn, hay còn gọi là chùa Sư Khoan, chùa Đá Mài, chùa Đất Sét. Ngôi chùa này thu hút du khách bởi thiết kế độc đáo, mang nhiều ảnh hưởng từ kiến trúc chùa chiền của Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar và cả các nước Trung Đông.
Nghe tên chùa, bạn có thể đoán được phần nào chất liệu chính để xây dựng công trình đặc biệt này. Quả thật, khi bước vào khuôn viên chùa Đất Sét, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán khổng lồ được làm từ chất liệu đất sét và đồng, được nạm vàng, và chạm trổ công phu. Đặc biệt, các tượng Phật ở đây đều có bốn mặt và được đặt khắp nơi.
Chánh điện của chùa Đất Sét được xây dựng trên đỉnh đồi. Khu vực này bài trí nhiều bàn ghế gỗ, ghế đá thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi, và ngắm nhìn toàn cảnh đồng lúa bên dưới.
Ngoài hang động nhân tạo, Pháp Viện Thánh Sơn còn có nhiều công trình đặc biệt khác đang được xây dựng, hứa hẹn trở thành nơi tham quan nổi tiếng tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Chùa Đất Sét Nha Trang (Pháp Viện Thánh Sơn)
-
Địa chỉ: Thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
11. Chùa Hải Đức Nha Trang
Nguồn ảnh: khoanhkhacvietnam.vn
Chùa Hải Đức là một trong ba ngôi chùa ở Nha Trang tọa lạc trên núi Trại Thủy, bên cạnh chùa Long Sơn và chùa Linh Phong. Chùa Hải Đức ban đầu có tên là Duyên Sanh Tự, nhưng sau được đổi tên thành Hải Đức Tự. Tọa lạc trên đỉnh dốc dài, chùa Hải Đức nổi tiếng với con đường dẫn vào chùa đẹp nhất trong số các chùa ở Nha Trang. Đây cũng chính là Phật Học Viện lớn nhất miền Trung.
Khác với vẻ đồ sộ, hoành tráng thường thấy của những ngôi chùa, chùa Hải Đức được biết đến với lối kiến trúc cổ, mang vẻ thanh tịnh trầm mặc, và tồn tại với thời gian. Bên đường còn có đặt ghế đá để khách có chỗ nghỉ ngơi. Mặc dù có lối đi khác dễ dàng hơn, nhưng khách hành hương vẫn hay chọn con đường này vì tin tưởng rằng, nó sẽ phần nào thể hiện lòng thành khẩn của mình đối với Phật.
Đến tham quan chùa Hải Đức, ngài việc cầu an, thưởng cảnh, bạn còn được nghe câu chuyện tiền kiếp kỳ lạ được lưu truyền trong dân gian. Chuyện là, vị Sư Thích Phước Huệ và một kỹ sư người Mỹ tên Blank M là hai cha con tiền kiếp với nhau. Họ có nét mặt giống hệt nhau mặc dù hoàn toàn khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. Anh kỹ sư này đã quyết định sang Việt Nam để gặp vị sư Thích Phước Huệ do liên tục được báo mộng và thôi thúc anh lên đường để tìm người cha kiếp trước của mình.
Chùa Hải Đức Nha Trang
-
Địa chỉ: 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
12. Chùa Linh Phong Nha Trang (Chùa Bửu Phong)
Nguồn ảnh: wikimapia.org
Chùa Linh Phong Nha Trang, hay còn có tên khác là chùa Bửu Phong, do Thượng tọa Trừng Giác khai sơn vào năm 1974 với khuôn viên rộng nằm bên bờ suối Tiên Du. Giữa sân chùa có đặt những gốc cây, tảng đá nhiều kích cỡ, được khắc họa tỉ mỉ. Cùng tọa lạc trên núi Trại Thủy giữa lòng thành phố Nha Trang, ba ngôi chùa nổi tiếng: Long Sơn, Hải Đức, và Linh Phong đã lập nên một thế tam giác vững chãi, đầy vẻ tôn nghiêm và thanh tịnh.
Toàn bộ kiến trúc chùa được chia làm 5 cảnh theo “Ngũ cảnh thiền môn”, bao gồm: cảnh thứ nhất – Cổng Ta Quan, cảnh thứ hai – Vườn Lộc Uyển, cảnh thứ ba – Chánh điện Chùa, cảnh thứ tư – Quan Âm Các, và cảnh thứ năm – Điện Quan Thánh. Đặc biệt là, tất cả trụ cột bên trong chùa đều nối với nhau bằng con mộng, không sử dụng một cây đinh nào. Nội thất của chùa làm từ vật liệu gỗ, chạm đục rất tỉ mỉ, trau chuốt công phu với những họa tiết hoa văn, linh vật rất độc đáo.
Chùa Linh Phong Nha Trang ngự bên dòng suối Tiên Du, trải dài đến chân nuối Hòn Hèo. Con suối lại chảy qua vườn đào rồi mới đổ ra vịnh Nha Phu, tạo thành bức tranh thiền môn sơn thủy hữu tình đặc sắc.
Chùa Linh Phong Nha Trang (Chùa Bửu Phong)
-
Địa chỉ: 20 đường 23/10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
13. Chùa Kỳ Viên Nha Trang (Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa)
Nguồn ảnh: www.daophatngaynay.com
Nếu bạn không có thời gian đi vãn cảnh chùa ở xa, thì có thể tìm đến Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, hay thường gọi tắt là chùa Kỳ Viên. Ngôi chùa này tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Tượng, một trong bốn ngọn đồi Tứ Linh nằm giữa lòng thành phố Nha Trang. Kỳ Viên là một ngôi chùa đẹp có từ lâu đời, cũng là nơi tổ chức các khóa tu hè cho thanh thiếu niên và các khóa thi Phật pháp.
Theo văn bia đặt tại chùa thì Kỳ Viên nguyên là miếu Trung Nghĩa, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, và được Đức Bà Từ Cung cùng một số vị lão làng Vạn Thạnh vận động hiến cúng cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Sau đợt trùng tu năm 1990, chùa chính thức đổi tên thành Kỳ Viên Trung Nghĩa. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm, là nơi thờ đức Phật Thích Ca, hai tôn giả Ca Diếp, A Nan và hai vị Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng.
Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa không chỉ là nơi tăng chúng tu học, nơi sinh hoạt và tu tập của các đạo tràng, nơi các Phật tử tụng kinh, niệm Phật, còn là điểm đến của nhiều đoàn du khách khi có dịp đến với xứ trầm hương.
Chùa Kỳ Viên Nha Trang (Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa)
-
Địa chỉ: 160 Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
14. Chùa Linh Sơn Nha Trang (Tổ Đình Linh Sơn)
Nguồn ảnh: wikimapia.org
Một ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông tọa lạc tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, là chùa Linh Sơn, hay còn gọi là Tổ Đình Linh Sơn. Đây là một ngôi chùa đã tồn tại từ rất lâu đời ở vùng đất này, được khai sơn bởi Ngài Đại Bửu – Kim Cang đắc đạo dưới cây Kén đại thụ. Hiện nay, cây đại thụ này đã trên 300 tuổi và vẫn còn trong sân chùa khuôn viên như một biểu tượng oai phong trường tồn của chùa.
Thuở khai sơn, chùa có tên là Sa Long Tự. Sau trận hỏa hoạn, Chùa được phục dựng và đổi tên là Linh Sơn Tự. Phong cảnh nơi đây thoáng đãng nhưng trang nghiêm, thanh tịnh: trước mặt là sông Hiền Lương quanh co, phía Tây là đồng lúa bát ngát, với hồ sen sâu rộng, và xa xa là dãy núi cao trập trùng. Đặc biệt, chùa còn giữ bản sắc tứ do vua Bảo Đại ban và quả chuông cổ cao tới 1m. Hãy đến tham quan chùa Linh Sơn, để xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp truyền thống văn hóa nơi đây bạn nhé.
Chùa Linh Sơn Nha Trang (Tổ Đình Linh Sơn)
-
Địa chỉ: Thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
15. Chùa Kim Sơn Nha Trang (Chùa Sắc Tứ Kim Sơn)
Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn
Một ngôi cổ tự nổi tiếng khác ở thành phố Nha Trang mà bạn có thể ghé qua là chùa Sắc Tứ Kim Sơn. Tương truyền, ngôi chùa này đã tồn tại từ thế kỷ 13, và được vị thiền sư Thiệt Địa - Pháp Ấn cho xây dựng hoàn chỉnh.
Chùa được chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên một lần là Sắc Tứ Quy Tông, và được vua Thiệu Trị sắc hạ lấy lại tên cũ là Sắc Tứ Kim Sơn. Ngoài ra, chùa còn được gọi là chùa Bà Nghè – đặt theo tên của phu nhân một vị quan triều vua Khải Định, để tưởng nhớ công trùng tu chùa của bà.
Trải qua mấy trăm năm chùa vẫn tiếp tục được tu bổ, phát triển ngày một rộng rãi, khang trang hơn, và trở thành một thắng tích lịch sử văn hóa của tỉnh Khánh Hòa.