Du lịch Nha Trang đã có sự hồi phục ấn tượng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần sớm khắc phục để tạo ấn tượng đẹp hơn trong mắt du khách.
Phục hồi ấn tượng
Thời gian gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Nha Trang rất sôi động. Các sự kiện Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh, Đại nhạc hội 8Wonder… đã góp phần thu hút du khách đến với thành phố biển. Theo báo cáo của TP. Nha Trang, 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đón hơn 2,1 triệu lượt khách lưu trú; trong đó có 601.700 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 9.698 tỷ đồng. Sự khởi sắc của du lịch Nha Trang có thể nhìn thấy qua những bước chân nhộn nhịp của du khách trên đường phố; các bãi biển chật kín người vui chơi; điểm tham quan du lịch đông đúc du khách… Sự phục hồi ấy đã góp những sắc màu tươi sáng cho bức tranh du lịch của tỉnh trong thời gian qua. “Lượng khách đến Nha Trang chiếm 60 - 70% tổng lượng khách của tỉnh. Trên địa bàn thành phố có 20 điểm tham quan du lịch nổi tiếng, khu du lịch lớn, như: Vinpearl, Khu du lịch Hòn Tằm, các điểm tham quan trong vịnh Nha Trang, Tháp Bà Ponagar, Bảo tàng Hải Dương học cùng các dịch vụ giải trí hấp dẫn như lặn biển, tắm bùn…”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết.
Các tour du lịch biển, đảo của Nha Trang luôn hấp dẫn khách du lịch. |
Để giúp du lịch phát triển, bên cạnh các dịch vụ du lịch mới, đẳng cấp của các doanh nghiệp du lịch như show diễn của Nhà hát Đó (Khu phức hợp du lịch giải trí Vega City), dịch vụ lặn biển khám phá đại dương của Công ty TNHH Ana Park tại phường Vĩnh Hòa, thành phố cũng đã tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự mỹ quan đô thị; tăng cường tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; nhân rộng phong trào “Vì môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp”… góp phần giữ hình ảnh đẹp với du khách. Ngoài ra, thành phố còn lập Đề án xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại TP. Nha Trang (đang trình UBND tỉnh phê duyệt); lập Đề án xây dựng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Nha Trang đêm nhìn từ núi Cô Tiên. Ảnh: TRẦN ĐÌNH VIỆT |
Cần khắc phục những tồn tại
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể phát triển du lịch, thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng xe xích lô điện tự chế chạy mất an toàn giao thông; người bán hàng rong đeo bám du khách ở công viên bờ biển và các điểm tham quan (chùa Long Sơn, Bến tàu Du lịch Nha Trang…) chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng kẹt xe thường xảy ra trên đường Võ Thị Sáu vào giờ cao điểm đã gây khó khăn cho việc vận chuyển khách du lịch đi tour biển đảo. Đặc biệt, Bến tàu Du lịch Nha Trang vẫn còn tồn tại và nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình hoạt động. “Sau 3 năm đi vào hoạt động, hiện nay, vẫn còn 11 tàu cá của ngư dân neo đậu trong khu vực mặt nước của bến tàu gây khó khăn, cản trở việc ra vào của các phương tiện vận chuyển tàu du lịch. Bên cạnh đó, do bến tàu không có trạm cung ứng xăng, dầu nên các chủ phương tiện phải sử dụng can nhựa để vận chuyển nhiên liệu đến bến tàu tiếp nhiên liệu, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang (đơn vị quản lý Bến tàu Du lịch Nha Trang) cho biết.
Người bán hàng rong đeo bám du khách tại chùa Long Sơn. |
Tại cuộc họp với lãnh đạo TP. Nha Trang về hoạt động du lịch của thành phố mới đây, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh đề nghị thành phố nên thành lập nghiệp đoàn xích lô để quản lý người làm nghề xích lô du lịch. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, phường Vĩnh Trường cần phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực đường Võ Thị Sáu; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý. Liên quan vấn đề này, lãnh đạo UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã triển khai phương án điều tiết phương tiện đường bộ từ bến tàu về trung tâm thành phố thông qua Khu đô thị An Viên ra đường Trần Phú. Tuy nhiên, khu vực Viện Hải dương học và cảng Nha Trang cũng xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Do đó, thành phố kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn để đầu tư giai đoạn 2 đường bờ kè từ bến cá dân sinh phường Vĩnh Trường đến cầu Bình Tân để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này.
Tại cuộc họp, ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang nhấn mạnh “Việc giữ gìn hình ảnh đẹp của Nha Trang trước hết là trách nhiệm của địa phương”. Theo đó, UBND TP. Nha Trang phải có kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng hàng rong chèo kéo khách du lịch; Phòng Quản lý đô thị phối hợp với phường Vĩnh Trường và phường Vĩnh Nguyên thực hiện tốt Nghị quyết số 18 của Thành ủy để giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè; xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định. Ban Quản lý vịnh Nha Trang chủ động xây dựng kế hoạch quản lý Bến tàu Du lịch Nha Trang đảm bảo kinh doanh, nhưng phải đảm bảo mỹ quan, tạo thuận lợi cho du khách. “Sân bay, nhà ga, bến tàu là những nơi du khách đến đông nhất. Nếu làm không tốt là mất điểm với du khách”, ông Hồ Văn Mừng bày tỏ.
Ông LÊ HỮU HOÀNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch di dời chỗ neo đậu tàu cá ra khỏi khu vực mặt nước Bến tàu Du lịch Nha Trang. UBND TP. Nha Trang chủ trì xây dựng phương án giải quyết ùn tắc giao thông để tạo thuận lợi trong vận chuyển khách tham quan biển, đảo; thống nhất chủ trương cho thành phố rà soát, bổ sung các điểm lặn biển mới; chủ động lựa chọn địa điểm, kêu gọi đầu tư các dịch vụ, sản phẩm về kinh tế đêm theo đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được tỉnh phê duyệt…