08/08/2023

NHA TRANG XƯA

NHA TRANG XƯA

Chắc chắn sẽ có không ít người bồi hồi, thổn thức nhớ lại những kỷ niệm đẹp tuyệt vời khi xem chùm ảnh về một Nha Trang xưa cũ thế này...

TÌM LẠI KÝ ỨC VỚI CHÙM ẢNH NHA TRANG XƯA

Cùng xem qua một vài hình ảnh "hiếm có khó tìm" về một Nha Trang xưa.

Theo một ghi chép của Xuân Thành về ký ức Nha Trang xưa đã viết:

So với nhiều đô thị trong cả nước, Nha Trang là một thành phố trẻ. Nếu lịch sử hình thành và phát triển Khánh Hòa được lấy mốc năm 1653, khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lập nên 2 phủ Diên Ninh, Thái Khang để từ đó hình thành nên Khánh Hòa ngày nay thì lịch sử đô thị Nha Trang chưa đầy 1 thế kỷ.

Ngày 30-4-1924, vua Khải Định ra đạo dụ lấy vùng đất hạ nguồn sông Cái, tiếp giáp với biển Đông để thành lập thị trấn Nha Trang. Khi mới thành lập, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Vào 20 năm sau (1944), vua Bảo Đại ra đạo dụ chuyển Nha Trang từ thị trấn lên thị xã (được Toàn quyền Đông dương chuẩn y ngày 22-6-1944).

Lật những tấm ảnh xưa còn lưu lại, tôi chợt nhận ra Nha Trang ngày xưa thật hoang sơ. Hình ảnh cổ nhất về Nha Trang chính là tấm ảnh bãi biển Nha Trang do bác sĩ Yersin chụp năm 1894 với hình ảnh một bãi biển hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, cùng với vài chiếc thuyền neo bến.

Tiếp đến là quang cảnh xóm Cồn năm 1902, với những mái nhà lúp xúp nằm 2 bên con đường, phía bên kia cửa biển Cù Huân là đồi La San. Người Pháp bắt đầu để lại dấu ấn với những công trình kiên cố như: Bưu điện Nha Trang (ảnh chụp năm 1920), Bệnh viện Nha Trang (1920), Ga Nha Trang (1932), Khách sạn Beau Rivage (1942) - nay là Khách sạn Hải Yến…

Trong sách xứ Trầm Hương của Quách Tấn, Nha Trang xưa là vùng đất rất hoang sơ: “Phố xá và gia cư người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm. Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ Tòa sứ (UBND tỉnh ngày nay) đến Đại Khách sạn. Vùng Mã Vòng chưa có nhà cửa, vùng Phước Hải cũng hoang vắng, nhà cửa thưa thớt. Một phần lớn diện tích là rừng mai”.

Nhớ về những năm tháng đó, bác sĩ Kiều Xuân Cư (ở Nha Trang từ năm 1936) cho hay: “Ngày ấy, Nha Trang rất hẹp. Tiếng là thị xã nhưng trung tâm tập trung ở mấy con đường như Trần Quý Cáp, Thống Nhất (đường Độc Lập), Hoàng Văn Thụ (đường Hoàng Tử Cảnh), Yersin… Phía đường Trần Phú, chỉ có người Pháp ở nhưng cũng thưa thớt lắm”.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nha Trang cũng có thay đổi nhưng không nhiều. Thị xã được mở rộng hơn, nhưng trung tâm vẫn là khu vực quanh chợ Đầm, nhà cao tầng hầu như không có. Khu Xóm Mới - Phước Hải sau lưng nhà thờ Núi vẫn là bãi hoang, lúp xúp nhà tạm bợ của dân nghèo; đường nối Diên Khánh với Nha Trang chỉ vừa cho một chiếc xe ngựa, 2 bên đường nhà cửa lác đác giữa ruộng lúa…

Trong trí nhớ của nhiều người, Nha Trang là một thị xã ven biển, không phát triển lắm về thương mại mà chỉ mạnh về du lịch. Họa sĩ Thanh Hồ cho biết: “Cho đến những năm 1960, đường Trần Phú (lúc ấy là đường Duy Tân) chưa phải là trung tâm du lịch như bây giờ. Khách về nghỉ mát chủ yếu ở tại khu vực đường Thống Nhất, Hoàng Văn Thụ…, chiều chiều họ lại đi tắm biển. Cái chất thanh bình của Nha Trang đã có từ ngày ấy”.

Theo họa sĩ Thanh Hồ, cái hay của Nha Trang là tuy chỉ là một thị xã, nhưng lại có rất nhiều rạp chiếu phim: Rạp Tân Tân (nay là Nhà Văn hóa tỉnh), Tân Quang (Siêu thị Maximark), Tân Thanh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống), Nha Trang, Trần Hưng Đạo (Trung tâm Văn hóa Thanh niên), Tân Tiến (nay là Siêu thị sách Tân Tiến)….

Hồi đó, tôi sống bằng nghề vẽ quảng cáo cho rạp chiếu phim. Lúc bấy giờ, phương tiện giải trí chưa nhiều nên người ta rủ nhau đến rạp xem phim đông nghịt, nam nữ yêu nhau thường hẹn nhau đi xem phim. Mỗi khi tan rạp, từng tốp người tản bộ hoặc đi xe đạp tỏa về nhà mà vẫn còn râm ran bàn tán về cốt truyện phim, các tài tử điện ảnh” - họa sĩ Thanh Hồ nhớ lại.

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh, lấy Nha Trang làm tỉnh lỵ. Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng lên thành phố, với dân số 21 vạn người.

Không có những ký ức xa xưa như những người đi trước, nhưng nhà báo Lê Bá Dương vẫn nhớ như in hình ảnh của Nha Trang sau ngày giải phóng: “Khi tiếp quản thị xã Nha Trang, ngoại trừ con đường vừa ôm biển, vừa ôm phố râm mát bóng dừa, vừa lạ, vừa đẹp, còn lại cái gọi là phố thị Nha Trang vỏn vẹn chỉ có những con đường trải nhựa hẹp, gần như không mấy nơi có lề đường bê tông hoặc lát gạch… Thay vào đó, hầu hết hai bên đường là những khoảng trống, đầy cỏ hoang.

...Những năm bao cấp, việc quản lý đô thị có vẻ “chân quê” hơn bây giờ, lại thêm việc khuyến khích tăng gia sản xuất, trồng rau nuôi gà nên hầu hết các lề đường đều được người dân tận dụng “khai hoang” tạo luống, vun vồng, trồng đủ các loại rau, màu, không khác mấy mảnh ruộng phần trăm ở quê. Đường phố thì vậy, còn thiết chế hạ tầng làm nên diện mạo thị thành cũng chỉ là những dãy, những cụm nhà chung cư mái lợp tôn, thoảng đôi khi mới có cái nhà ngói ẩn mình trong cái vỏ biệt thự, nép sâu trong hẻm kín”.

Trước cổng rạp chiếu bóng Tân Tân, đường Thống Nhất

Tượng đài Công viên Yến Phi

Nhà thờ Núi - Nhà thờ Chánh Tòa Kito Vua

Đại lộ Duy Tân, nay là đường Trần Phú

 

Grand Hotel - Đại khách sạn Nha Trang. Bây giờ là Nhà khách Chính phủ

Tượng Phật Trắng, chùa Long Sơn trên đỉnh đồi Trại Thủy

 

NHA TRANG NGÀY NAY ĐÃ TRỞ THÀNH "THIÊN ĐƯỜNG" DU LỊCH...

Giờ đây, Nha Trang đã trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, thành phố lớn lên và thay đổi từng ngày. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên ấn tượng khi đặt chân đến Nha Trang gần 10 năm về trước: Nha Trang không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh, hay có nét cổ kính trầm mặc như Huế, Hà Nội, thay vào đó là vẻ yên bình, trong lành đúng chất thành phố biển.

Không chỉ là vùng đất đẹp được thiên nhiên ưu đãi, Nha Trang còn là vùng đất có chiều sâu văn hóa. Nơi đây kế tục những văn hóa của Chăm Pa còn sót lại là Tháp Bà Ponagar trầm mặc soi bóng bên dòng sông Cái. Gắn liền với quần thể di tich ấy là lễ hội tháp bà Ponagar với câu chuyện huyền thoại về Người Mẹ xứ sở. Nơi đây còn có cả những nét văn hóa biển đặc trưng mà nổi bật là lễ hội cầu ngư với bài ca Bá Trạo vang lừng trên sóng biển…

Lắm khi tôi tự hỏi, cái gì đã níu chân mình ở lại mảnh đất này, vẻ đẹp Nha Trang hay tình người phố biển? Thật khó rạch ròi, nhưng có lẽ là cả hai điều đó. Có nhiều du khách lần đầu đến Nha Trang đã “dị ứng” với câu khẩu hiệu: "Nha Trang - Khánh Hòa văn minh, thân thiện". Nhưng đến nhiều lần, họ nhận ra đó không phải là khẩu hiệu suông, bởi người Nha Trang có sự thân thiện, mến khách đến lạ kỳ mà bạn bè tôi vẫn thường nói một cách dân dã là “dễ sống”.

Khi được hỏi rằng điều gì đáng quý nhất, đặc trưng nhất của Nha Trang, bác sĩ Kiều Xuân Cư nhận định: "Nha Trang có lợi thế là khí hậu ôn hòa, độ chênh lệch giữa ngày và đêm chỉ khoảng 6 - 8 độ C. Bác sĩ A. Yersin cũng từng nói khí hậu Nha Trang lý tưởng. Đến Nha Trang hôm nay, du khách sẽ cảm nhận được sự thoáng mát, xanh - sạch - đẹp của thành phố."

Thật vậy, sau những đợt “nâng cấp”, các con đường rộng rãi chạy thẳng ra biển đã trở thành “hệ thống ống dẫn” gió biển vào làm mát cho toàn thành phố. Nha Trang trở nên thoáng đãng hơn rất nhiều nhờ sự mở rộng những tuyến phố cũ và xây mới như vậy.

Nha Trang đổi thay từng ngày. Cầu Bình Tân, Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng đã mở toang 2 cửa ngỏ phía Bắc, Nam thành phố. Còn nhớ những lần đi đón các người đẹp dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 ở Nha Trang, các hoa hậu đã ngỡ ngàng bởi con đường đẹp như tranh vẽ. Xe uốn lượn trên đèo Cù Hin, các hoa hậu nước ngoài không ngớt xuýt xoa trước vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng giữa biển và núi.

Bờ biển Nha Trang trở nên đẹp hơn khi đường Trần Phú (được ví như vành quạt xòe rộng ôm bờ biển) đã nối liền với đường Phạm Văn Đồng, vươn dài về phía Bắc. Công viên bờ biển đường Trần Phú cũng ấn tượng hơn với vườn tượng đá - kết quả của 2 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc ở các kỳ Festival Biển 2005 và 2007.

Nha Trang hôm nay đã định rõ hình hài của một thành phố biển, thành phố của du lịch - thương mại. Cùng với sự phát triển về hạ tầng giao thông, ngày càng có nhiều hơn những khu du lịch lớn ở Nha Trang như Vinpearl Land, Hòn Tằm, Diamond Bay… Cách đây vài năm, nơi Vinpearl “trú chân” chỉ là một làng chài nghèo, thế mà chỉ trong vài năm Vinpearl đã trở thành “điểm sáng” về du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa, được nối với đất liền bởi 1 cáp treo dài nhất Đông Nam Á. Nơi đây không chỉ là khu nghỉ dưỡng cao cấp, mà còn trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các chương trình văn hóa lớn như Hoa hậu Việt Nam, Duyên dáng Việt Nam,…

Không chỉ phát triển về kinh tế, đời sống xã hội của Nha Trang cũng đã đổi thay rất nhiều. Những năm gần đây, Nha Trang cũng đang dần trở thành một thành phố của sự kiện, với hàng loạt các sự kiện văn hóa - thể thao được tổ chức hàng năm, trong đó nổi bật nhất là các Cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế, Festival biển,…

Bên cạnh đó, sự ra đời của Trường Đại học Nha Trang (đi lên từ Đại học Thủy sản Nha Trang) và sự góp mặt của hàng chục trường đại học, cao đẳng như Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Không quân, Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Thông tin, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang,… đã đưa Nha Trang trở thành một trung tâm giáo dục lớn của khu vực.

Nha Trang ngày càng “lộng lẫy” hơn với hàng loạt các khách sạn cao cấp như Sunrise, Novotel, Sheraton, Mường Thanh, Havana, Intercontinental,… Nhưng nếu kỹ tính, người ta vẫn hẫng tiếc, băn khoăn về những sự "thái quá" trong sự phát triển kiến trúc đô thị.

Ai cũng biết, Nha Trang nằm lọt trong thung lũng với 3 chiều vách núi, chỉ duy nhất hướng mở ra biển, và cũng là hướng đặc biệt nhất, độc đáo nhất làm nên thương hiệu Phố biển Nha Trang. Vậy nhưng hàng loạt các khách sạn cao tầng chen lấn dọc theo đường Trần Phú đã trở thành bức tường chắn gió biển.

Không những thế, hệ thống công viên của TP. Nha Trang lại quá ít, thành phố lại chưa có bãi xe công cộng, mật độ cây xanh còn hạn chế. Khi nói về sự phát triển Nha Trang, bác sĩ Kiều Xuân Cư nhắn nhủ: “Cần phải giữ lá phổi xanh của thành phố, không nên phát triển nhà cao tầng ở phía đường Trần Phú”.

Vào buổi tối, Nha Trang đẹp lung linh dưới dưới ánh đèn đêm, gió biển lồng lộng thổi. Tôi thầm hiểu vì sao, năm 1891, lần đầu tiên thấy vịnh Nha Trang thì nhà bác học A. Yersin đã đánh giá nơi đây có “quang cảnh hấp dẫn nhất Đông Dương”. Cũng từ đó, ông đã dành trọn những năm tháng còn lại của đời mình cho vùng đất này...

Bình luận của bạn
hotline
Liên hệ qua Zalo
Liên hệ qua Facebook
Vietnamese English
Được hỗ trợ bởi google Dịch